Tác dụng :
Galantamin, một alkaloid bậc 3, là một thuốc ức chế cạnh tranh, chọn lọc và có thể đảo ngược đối với acetylcholinesterase. Ngoài ra, galantamin làm gia tăng tác động nội tại của acetylcholin lên receptor nicotin, có lẽ thông qua việc gắn kết vào một vị trí allosteric của receptor. Kết quả là có thể đạt được một sự gia tăng hoạt tính của hệ cholinergic liên quan tới việc cải thiện chức năng nhận thức ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ loại alzheimer.
Do làm chậm suy giảm các chức năng cũng như nhận thức, tác dụng của galantamine thích hợp về mặt lâm sàng. Alzheimer là một rối loạn nghiêm trọng với sa sút trí tuệ tiến triển. Bệnh đặc trưng bởi các mảng protein và các đám rối thần kinh làm biến dạng từ từ cấu trúc não. Một protein tự nhiên là amyloid giữ vai trò chính trong quá trình hủy hoại. Galantamine tác dụng bằng cách ức chế sản sinh acetylcholinesterase, một chất bị coi là gây mất trí nhớ trong bệnh Alzheimer. Mặt khác nó cũng làm tăng đáp ứng của não với acetylcholine, chất đóng vai trò trong nhận thức. Cơ chế tác dụng thứ hai là galantamine làm tăng sự giải phóng hóa chất dẫn truyền-acetylcholin cũng như giúp cho các tế bào não tiết ra nhiều acetylcholin hơn.Thuốc không chữa khỏi bệnh Alzheimer nhưng làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Chỉ định :
Galantamine được chỉ định trong điều trị triệu chứng sa sút trí tuệ do căn nguyên mạch máu và dạng sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer mức độ nhẹ đến khá nặng, có hay không có liên quan bệnh lý mạch máu não.
Liều lượng - cách dùng:
Galantamine được uống 2 lần/ngày, nên uống vào bữa ăn sáng và tối. Ðảm bảo uống nước đầy đủ trong quá trình điều trị.
Liều khởi đầu:
Liều khởi đầu khuyên dùng là 8mg/ngày (4mg x 2 lần/ngày) trong 4 tuần.
Liều duy trì:
- Liều duy trì khởi đầu là 16mg/ngày (8mg x 2 lần/ngày) và bệnh nhân nên được duy trì với liều 16mg/ngày trong ít nhất 4 tuần.
- Gia tăng đến liều duy trì tối đa 24mg/ngày (12mg x 2 lần/ngày) cần phải được cân nhắc sau khi đã có những đánh giá đúng đắn về lợi ích lâm sàng và độ dung nạp.
- Không có hiệu ứng dội ngược sau khi ngưng điều trị đột ngột (ví dụ: chuẩn bị phẫu thuật).
Trẻ em:
Không nên sử dụng Galantamine cho trẻ em. Chưa có dữ liệu về việc sử dụng Galantamine cho bệnh nhi.
Bệnh gan và suy thận:
- Nồng độ Galantamine trong huyết tương có thể gia tăng ở những bệnh nhân bị suy chức năng gan hoặc thận mức độ trung bình tới nặng.
- Ở những bệnh nhân bị suy chức năng gan mức độ trung bình, dựa vào mô hình dược lực học, liều khởi đầu là 4mg x 1 lần/ngày, nên uống vào bữa sáng trong vòng ít nhất 1 tuần. Sau đó, bệnh nhân cần được chuyển sang liều 4mg x 2 lần/ngày trong ít nhất 4 tuần. Ở những bệnh nhân này, liều mỗi ngày không nên vượt quá 8mg x 2 lần/ngày.
- Không nên sử dụng Galantamine cho những bệnh nhân bị suy chức năng gan nặng.
- Không cần chỉnh liều đối với những bệnh nhân có độ thanh thải creatinine lớn hơn 9ml/phút.
- Không nên sử dụng Galantamine cho những bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinine dưới 9ml/phút) bởi vì chưa có đầy đủ dữ liệu.
Ðiều trị đồng thời:
Cần xem xét việc giảm liều ở những bệnh nhân được điều trị bằng những thuốc ức chế CYP2D6 hoặc CYP3A4 mạnh.
Chống chỉ định :
Không được sử dụng Galantamine cho những bệnh nhân đã được biết quá mẫn với galantamine hydrobromide hoặc bất cứ tá dược nào của thuốc.
Thận trọng lúc dùng :
Bệnh nhân bị bệnh Alzeheimer bị sụt cân. Việc điều trị các bệnh nhân này bằng những thuốc ức chế men cholinesterase, kể cả galantamine, đều có liên quan đến tình trạng sụt cân. Do đó cần phải theo dõi thể trọng bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Cũng như những thuốc kích thích hệ cholinergic khác, Galantamine cần thận trọng khi sử dụng trong những trường hợp sau:
- Tim mạch: Do tác dụng dược lý, các thuốc kích thích hệ cholinergic có thể có những tác động của trương lực dây thần kinh lang thang lên nhịp tim (ví dụ: Nhịp tim chậm). Ðiều này có thể đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân bị Hội chứng suy nút xoang hoặc có các dạng rối loạn dẫn truyền trên thất hoặc ở những người đang đồng thời sử dụng thuốc làm giảm nhịp tim đáng kể như digoxin và các thuốc ức chế thụ thể bêta. Việc sử dụng Galantamine rất hiếm khi có liên quan đến tình trạng nhịp tim rất chậm hoặc ngất.
- Tiêu hóa: Ðối với những bệnh nhân có nguy cơ khởi phát bệnh lý loét đường tiêu hóa (ví dụ như những bệnh nhân có tiền sử bị loét hoặc các yếu tố thuận lợi để gây loét) thì cần phải theo dõi chặt chẽ để tìm các triệu chứng. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng cho thấy Galantamine không làm tăng tần suất loét và xuất huyết tiêu hóa (so với giả dược). Không nên sử dụng Galantamine cho những bệnh nhân có bệnh lý gây tắc nghẽn đường tiêu hóa hoặc những bệnh nhân đang hồi phục sau phẫu thuật đường tiêu hóa.
- Thần kinh: Các thuốc kích thích hệ cholinergic có khả năng gây co giật toàn thân. Tuy nhiên, cơn động kinh cũng có thể là một biểu hiện của bệnh Alzheimer. Trong nhiều thử nghiệm lâm sàng, không có sự gia tăng tần suất co giật do Galantamine khi so sánh với giả dược.
- Bệnh phổi: Do những tác động kích thích hệ cholinergic, nên các thuốc nhóm này cần được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân có tiền sử hen phế quản nặng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn.
- Tiết niệu-sinh dục: Không nên sử dụng Galantamine cho những bệnh nhân bị tắc nghẽn đường bài niệu hoặc đang hồi phục sau phẫu thuật bàng quang.
Tác động trên khả năng lái xe vận hành máy móc:
Bệnh Alzheimer có thể gây giảm dần khả năng lái xe và vận hành máy móc. Hơn nữa, giống như các thuốc kích thích hệ cholinergic khác, Galantamine có thể gây choáng váng và ngủ gà, tức là ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc, đặc biệt trong tuần khởi đầu điều trị đầu tiên.
LÚC CÓ THAI VÀ LÚC NUÔI CON BÚ
Lúc có thai:
Những nghiên cứu về sinh sản được tiến hành ở chuột mang thai với liều lên đến 16mg/kg (gấp khoảng 25 lần liều điều trị ở người) và ở thỏ mang thai với liều lên đến 40mg/kg (gấp khoảng 63 lần liều điều trị ở người) đã không cho thấy bất kỳ bằng chứng nào về tiềm năng gây quái thai. Có ghi nhận được sự gia tăng không có ý nghĩa thống kê về tần suất gây bất thường ở các xương nhỏ với liều 16mg/kg ở chuột.
Chưa có nghiên cứu sử dụng Galantamine ở phụ nữ mang thai. Galantamine nên được sử dụng trong khi mang thai chỉ khi nào lợi ích mà nó mang lại cho bà mẹ quan trọng hơn nguy cơ đối với bào thai.
Lúc nuôi con bú:
Galantamine hiện chưa được biết là có bài tiết qua sữa mẹ hay không và chưa có nghiên cứu nào ở phụ nữ đang cho con bú. Vì vậy, những phụ nữ đang uống Galantamine không nên cho con bú.
Tương tác thuốc :
Tương tác dược lực:
Do cơ chế tác dụng, không nên sử dụng đồng thời galantamine với các thuốc kích thích hệ cholinergic khác. Galantamine đối kháng với tác dụng của các thuốc kháng cholinergic. Thông thường ở các thuốc kích thích hệ cholinergic, tương tác dược lực học có thể xảy ra với các thuốc làm giảm đáng kể nhịp tim (ví dụ Digoxin và các thuốc ức chế thụ thể bêta). Galantamine, như một thuốc kích thích hệ cholinergic, có thể tác động mạnh lên sự dãn cơ kiểu succinylcholine trong khi gây mê.
Tương tác dược động:
Galantamine chuyển hóa qua nhiều con đường và được thải qua thận.
Bằng những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã xác định được 2 enzyme chủ yếu tham gia vào quá trình chuyển hóa của Galantamine là CYP2D6 và CYP3A4.
Sự hấp thu của galantamine không bị giảm khi sự bài tiết acid dịch vị bị ức chế.
Các thuốc khác ảnh hưởng lên chuyển hóa của galantamine:
Những thuốc ức chế mạnh men CYP2D6 và CYP3A4 có thể làm gia tăng phần diện tích dưới đường cong (AUC) của galantamine.
Ảnh hưởng của Galantamine lên chuyển hóa của các thuốc khác:
Liều điều trị của galantamine (12mg x 2 lần/ngày) không ảnh hưởng lên dược động học của digoxin và warfarin. Galantamine không ảnh hưởng đến tác dụng kéo dài thời gian prothrombin của warfarin.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy tiềm năng gây ức chế của galantamine đối với các dạng chủ yếu của men cytochrome P450 ở người là rất thấp.
Tác dụng phụ
Các tác dụng phụ thường gặp nhất trong các thử nghiệm lâm sàng (tần suất ≥ 5% và gấp 2 lần giả dược) là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi, choáng váng, nhức đầu, ngủ gà và giảm cân. Buồn nôn, nôn và chán ăn thì thường gặp ở phụ nữ hơn.
Những tác dụng phụ thông thường khác (tần suất ≥ 5% ≥ giả dược) bao gồm lú lẫn, té ngã, chấn thương, viêm mũi, nhiễm trùng tiểu, mất ngủ.
Phần lớn những tác dụng phụ này xuất hiện trong giai đoạn chỉnh liều. Tác dụng phụ thường gặp nhất là buồn nôn và nôn kéo dài ngắn hơn 1 tuần trong hầu hết các trường hợp và phần lớn bệnh nhân chỉ bị một lần.
Sử dụng thêm các thuốc chống nôn và uống nước đầy đủ có thể có ích trong những trường hợp này.
Run là do điều trị không thường xuyên. Ngất và nhịp tim rất chậm rất hiếm gặp.
Không thấy có những chỉ số xét nghiệm bất thường.
Qúa liều :
Triệu chứng:
Các sự biểu hiện và tính chất quá liều của galantamine có thể xảy ra tương tự như sự quá liều của các thuốc kích thích cholinergic khác. Những tác dụng này thường ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương, hệ phó giao cảm và đám nối thần kinh cơ. Ngoài triệu chứng yếu cơ và rung cơ cục bộ, một số hay tất cả những biểu hiện của tình trạng mất trương lực cholinergic có thể khởi phát: nôn ói dữ dội, co thắt ống tiêu hóa, tăng tiết nước bọt, chảy nước mắt, tiểu tiện, đại tiện, toát mồ hôi, nhịp tim chậm, hạ huyết áp, ngã qụy và co giật. Tăng yếu cơ cùng với tăng tiết khí quản và co thắt phế quản có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng do ngạt thở.
Ðiều trị:
Các biện pháp hỗ trợ thông thường nên được sử dụng trong mọi trường hợp quá liều. Ðối với những ca nặng, thuốc kháng cholinergic như atropine được sử dụng như antidote cho các thuốc kích thích hệ cholinergic. Liều khởi đầu nên là 0,5-1mg tiêm tĩnh mạch, các liều kế tiếp dựa vào đáp ứng lâm sàng.
Nên liên lạc với trung tâm kiểm soát độc chất để có được những thông tin mới nhất về cách xử trí quá liều bởi vì vấn đề này hiện vẫn còn đang tiếp tục tiến triển.
Trong bản báo cáo sau khi tiếp thị, chậm nhịp tim, QT kéo dài, nhịp nhanh thất, xoắn đỉnh kèm với tình trạng mất nhận thức thoáng qua đã được ghi nhận có liên quan đến việc uống thuốc thiếu thận trọng: 8 viên 4mg (tổng liều 32mg) chỉ trong vòng 1 ngày.
Thông tin thành phần Galantamine
Dược lực:
Thuốc chống sa sút trí tuệ.
Galantamine, thuốc mới điều trị bệnh Alzheimer, làm chậm tiến trình suy thoái thần kinh.
Dược động học :
Galantamin là thuốc có thanh thải thấp (thanh thải huyết tương vào khoảng 300ml/phút) với thể tích phân bố trung bình là (Vds trung bình 175l). Thải của galantamin theo hàm số mũ bậc 2, với bán thời tận cùng khoảng 7-8 giờ.
Các con đường chuyển hóa chính là: N-oxy hóa, N-demethyl hóa, O-demethyl hóa, glucoronid hóa và epime hoá. O-demethyl thì quan trọng hơn nhiều ở những người chuyển hóa mạnh của CYP2D6.
Trong huyết tương của những người chuyển hóa mạnh và kém, dạng galantamin không đổi và các glucoronid của nó đại diện cho phần lớn hoạt tính phóng xa của mẫụ.
Norgalantamin có thể được phát hiện trong huyết tương ở những bệnh nhân sau khi sử dụng nhiều lần, nhưng không vượt quá 10% nồng độ galantamin.
Dược động học của galantamin ở những người suy chức năng gan nhẹ (thang điểm Child-Pugh 5-6) thì tương tự như ở người khoẻ mạnh. Ở những bệnh nhân bị suy chức năng gan trung bình (thang điểm Child-Pugh 7-9), diện tích dưới đường cong và bán thời của galatamin tăng khoảng 30%.
Sự phân bố của galantamin được nghiên cứu trên những người trẻ có chức năng thận khác nhau. Thải trừ của galantamin giảm cùng với sự giảm thanh thải creatinin. Nồng độ galantamin trong huyết tương gia tăng 38% ở những người suy chức năng thận trung bình (thanh thải creatin = 52-104 ml/phút) và tăng 67% ở những người suy thận nặng (thanh thải creatinin = 9-51 ml/phút) so với những người khoẻ mạnh cùng độ tuổi và cân nặng (thanh thải creatinin ≥ 121ml/phút).
Lưu ý: Dùng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ